ấm áp ngôi nhà thứ hai của học sinh nội trú - Copy


Ngày xuất bản: 06/11/2015 3:15:25 SA
Lượt đọc: 6431

Khởi nguồn từ việc trường học xa nhà, có những thôn cách xa trường học đến chục km, vì vậy năm học 2001-2002, một số phụ huynh là đồng bào Mông ở bản Đồng Ruộng xã Kiên Thành huyện Trấn Yên có con em đang học bậc tiểu học và THCS ở nội trú ngay trong trường. Thời gian đầu chỉ có trên dưới chục học sinh, nhưng đến năm học 2007-2008 cả 3 bậc học đều có học sinh ở nội trú và số lượng lên tới hơn 40 học sinh. Để giải quyết đủ chỗ ở cho học sinh nội trú, chính quyền địa phương và ngành GD&ĐT đã phải xây dựng thêm 3 gian nhà cấp 4 và 3 gian nhà gỗ cho các em học sinh. Đến năm học 2009-2010, được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, trường THCS được xây dựng thêm 3 phòng nội trú, với quy mô 24 giường tầng/phòng, có bếp ăn tập thể, phòng vệ sinh trong khu nội trú, đồng thời HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 22, Nghị quyết số 19 về việc hợp đồng nhân viên cấp dưỡng cho học sinh ở nội trú. Cũng trong thời gian này, xã Kiên Thành thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, nên học sinh được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 85 và Quyết định 36, tức là được hỗ trợ 15kg gạo và từ 40-50% hệ số lương cơ bản/tháng. Việc hỗ trợ này đã giúp đỡ rất nhiều về mặt kinh tế cho các bậc phụ huynh là đồng bào Mông, đồng bào Dao có con em ở nội trú.

Các tổ chức cá nhân hảo tâm phối hợp với CĐCS tặng chăn ấmcho học sinh

Tuy nhiên đến tháng 3.2012 xã Kiên Thành huyện Trấn Yên đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn, kéo theo mọi chế độ hỗ trợ cho học sinh ở đây chấm dứt, dẫn đến tình trạng thiếu hụt kinh phí trong nuôi dưỡng học sinh hàng ngày. Trước tình hình đó, Công đoàn trường tiểu học đã thống nhất với Ban giám hiệu và phụ huynh có con em ở nội trú cách thức đóng góp để duy trì 2 bữa ăn hàng ngày cho hơn 20 học sinh ở nội trú, đó là: mỗi học sinh đóng 3kg gạo, củi đun và 10.000 đồng hoặc rau, củ, quả. Mức đóng góp là như vậy, nhưng thực tế do kinh tế gia đình phụ huynh còn khó khăn nên chỉ có 3-5 phụ huynh đóng góp đầy đủ, số còn lại đóng góp rau, củ, thậm chí là không có gạo. Nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh hàng ngày và giảm tình trạng học sinh bỏ học vì kinh tế khó khăn, Công đoàn trường tiểu học tiếp tục vận động đoàn viên công đoàn ủng hộ các em ít nhất 20.000đ/người/tháng và luân phiên cử người mua thực phẩm cho các em. Anh Đinh Công Thiềng - Chủ tịch Công đoàn trường tiểu học xã Kiên Thành huyện Trấn Yên cho biết: “Người dân tộc Mông ở Kiên Thành rất hiếu học, nhưng cơ bản do điều kiện các gia đình khó khăn, thêm vào đó là tập tục làm nương xa nhà nên việc quan tâm đến đời sống của con em mình nhiều khi không quan tâm. Việc đoàn viên công đoàn nhà trường hỗ trợ học sinh là rất cần thiết, hiệu quả, được phụ huynh và địa phương ghi nhận”.

Mặc dù được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong nhà trường, nhưng thực chất các em học sinh ở đây chỉ được ăn no, còn dinh dưỡng vẫn không thể đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Vì vậy, bằng các mối quan hệ và bằng nhiều kênh thông tin khác nhau Ban chấp hành công đoàn cùng Ban giám hiệu trường tiểu học đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm giúp đỡ các học sinh ở bán trú là người dân tộc Mông, do đó, những năm học trước có nhiều đoàn đến tặng quà cho nhà trường để giảm bớt sự khó khăn cho học sinh, song chủ yếu các đoàn từ thiện đến để tặng quần áo, chăn màn, nếu là tiền mặt thì là những xuất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh khá giỏi.

Bước vào năm học 2015-2016, trường tiểu học có 27 học sinh là con em dân tộc Mông và trường THCS Kiên Thành có 43 học sinh, chủ yếu là con em dân tộc Dao ở nội trú, để học sinh thực sự yên tâm học tập, trường THCS duy trì lại chế độ ăn tập trung theo hình thức phụ huynh đóng góp 100% khẩu phần ăn. Còn trường tiểu học có nhiều thuận lợi hơn, khi từ đầu năm học đến này đã nhận được sự giúp đỡ của hơn 10 đoàn từ thiện đến tặng nhu yếu phẩm, chăn màn, hơn 1 tấn gạo, hàng chục hộp mỳ tôm, ti vi, xây dựng nhà tắm và hơn 20 triệu đồng tiền mặt. Mọi sự ủng hộ này, nhà trường đều công khai với chính quyền địa phương và hội phụ huynh. Thầy giáo  Đỗ Văn Long – Hiệu trưởng trường tiểu học Kiên Thành huyện Trấn Yên cho rằng: “Việc ủng hộ tiền mặt, nhu yếu phẩm của các tổ chức, cá nhân hảo tâm là rất cần thiết để duy trì cuộc sống của học sinh nội trú, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài rất cần có chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được theo học”.

Có thể thấy, vì không phải là trường đặc thù, nên bên cạnh việc đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho các em học sinh, Trường tiểu học và THCS Kiên Thành còn phải đảm bảo an toàn cho các em học sinh nội trú ngoài giờ lên lớp. “Để thực hiện được nhiệm vụ này, Ban giám hiệu phối hợp với công đoàn cơ sở phân công đoàn viên công đoàn và bảo vệ nhà trường thay phiên nhau quản lý học sinh thời gian ở nội trú, như: điểm danh số lượng, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn, đôn đốc học sinh vệ sinh cá nhân và khu vực phòng ở. Tuy không được hưởng thêm chế độ, nhưng mọi đoàn viên được phân công nhiệm vụ đều vui vẻ thỏa mái”. Đó là lời khẳng định của thầy giáo Nguyễn Đức Thắng - Hiệu trưởng trường THCS Kiên Thành.

Bằng những việc làm hết sức nhân văn của tập thể đoàn viên công đoàn cơ sở 2 trường học và các tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm trong hơn 10 năm qua đã góp phần tiếp thêm sức mạnh cho hàng trăm lượt học sinh. Tuy nhiên, về lâu dài cần sớm có những chính sách phù hợp để các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số như xã Kiên Thành huyện Trấn Yên yên tâm trong học tập, vững tin lập nghiệp ngày mai./.

Thanh Hùng (Đài TT-TH Trấn Yên)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter