Thành lập cơ sở hội phụ nữ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: Sẽ chồng chéo chức năng!


Ngày xuất bản: 15/12/2016 8:31:55 SA
Lượt đọc: 5944

 Nữ CNVCLĐ - một bộ phận của giai cấp công nhân VN và là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ cả nước.

Tổng LĐLĐVN đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ VN (LHPNVN) đối với các cán bộ nữ công ở tất cả các tỉnh, thành. Đáng chú ý, các đại biểu đã phân tích, đánh giá và cho rằng việc thành lập cơ sở hội phụ nữ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ chồng chéo chức năng, trong khi tổ chức công đoàn được giao trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của CNVCLĐ trong đó có lao động nữ.

Chồng chéo chức năng

Theo LĐLĐ TP.Hà Nội, hoạt động CĐ và hoạt động Hội phụ nữ ở các đơn vị, DN là độc lập, hay nói cách khác là 2 trong 1 (2 tổ chức/1 đối tượng, 1 nội dung). Phần lớn các hội, chi hội phụ nữ trong DN được thành lập đều không có kinh phí hoạt động, vì thế đều trông chờ vào kinh phí của đơn vị; Những đơn vị vừa có tổ chức CĐ, vừa có chi hội phụ nữ thì các hoạt động phối hợp tuyên truyền, chăm lo cho nữ CNVCLĐ vào các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Ngày Gia đình VN 28.6, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Ngày Phụ nữ VN… đều do kinh phí CĐ đảm nhiệm. Nếu được DN hỗ trợ thì đó là sự hỗ trợ chung.

Nếu thành lập tổ chức Hội LHPN các KCN-KCX sẽ gây khó khăn rất lớn trong chỉ đạo và hoạt động CĐ các KCN-KCX, trực tiếp là hơn 200 CĐCS của các DN hiện đang hoạt động trong các KCN-KCX thuộc TP.Hà Nội, Ban Nữ công LĐLĐ TP tham mưu với Thường trực LĐLĐ TP đề nghị tạm dừng thành lập Hội LHPN các KCN-KCX. Bởi, thực tế, hoạt động nữ công, công tác chăm lo đời sống của CNLĐ, công tác tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; chăm sóc sức khỏe sinh sản… là những nội dung hoạt động Ban Nữ công CĐCS. Hiện công tác này đã và đang được CĐCS và CĐ KCN-KCX Hà Nội chỉ đạo và tổ chức có hiệu quả, được chủ DN ghi nhận và đánh giá cao, khẳng định uy tín của cán bộ CĐCS với chủ DN và tập thể CNLĐ trong DN, góp phần ổn định, hạn chế tranh chấp LĐ, xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa trong DN.

Các tham luận khác cũng cho rằng, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội đều dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Mỗi đối tượng quần chúng cụ thể, Đảng đều phân công cho một tổ chức quần chúng phụ trách. Các tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ riêng. Mỗi tổ chức không nên tự ý bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cũng như quy định riêng cho tổ chức mình; tránh hoạt động chồng chéo gây kém hiệu quả và khi có vấn đề xảy ra, không có đơn vị chịu trách nhiệm.

Vai trò CĐ đối với nữ CNVCLĐ đã rõ ràng

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định vai trò của tổ chức CĐ là tổ chức đại diện cho NLĐ. Bộ luật LĐ, Luật CĐ khẳng định quyền và trách nhiệm của CĐ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; vai trò của CĐ trong quan hệ LĐ, đại diện cho CBCCVC, công nhân và những NLĐ khác. Các Nghị quyết của Đảng cũng chỉ rõ vai trò của tổ chức CĐ đối với nữ CNVCLĐ. Đặc biệt, cho đến nay chưa có văn bản nào của Đảng cho phép thành lập Hội Phụ nữ cơ sở ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, còn ở các DN tư nhân mới chỉ cho phép làm thí điểm.

Hiện nay, nữ CNVCLĐ là bộ phận của giai cấp CNVN và là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ cả nước, chiếm khoảng 44,7% tổng số CNVCLĐ trong cả nước và tập trung phần lớn ở các KCN (Hà Nội - trên 60%; TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương chiếm trên 70%) và ở một số ngành nghề như giáo dục, y tế, dệt may, chế biến thủy sản, da giày… Báo cáo sơ kết 5 năm Chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN về bình đẳng giới (giai đoạn 2011-2015) và báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 6b/TLĐ của BCH Tổng LĐLĐVN về công tác vận động nữ CNVCLĐ và Chỉ thị 03/TLĐ của Đoàn Chủ tịch về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ đều cho thấy chất lượng nữ CNVCLĐ được nâng lên nhiều mặt: Trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức; năng động, sáng tạo; thích ứng với cơ chế thị trường và ngày càng tham gia một cách tích cực hơn vào thị trường LĐ giúp tăng thu nhập cho phụ nữ. Nhiều chị em được tín nhiệm và đề bạt giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các DN. Về tiền lương, thu nhập và đời sống của CNVCLĐ trong đó có nữ CNVCLĐ đã từng bước được cải thiện, thu nhập ngày càng tăng lên.

Thực tế cũng cho thấy, công tác phụ vận trong nữ CNVCLĐ chính là công tác nữ công của các cấp CĐ. Nhiều năm qua, kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa hai tổ chức theo chỉ đạo của Đảng đã khẳng định sự phân công hợp lý của Đảng trong công tác phụ vận, nhằm tránh sự chồng chéo giữa các tổ chức, đảm bảo sự ổn định của mỗi tổ chức, hơn nữa, mỗi tổ chức CĐ hay Hội Phụ nữ đều phát huy được thế mạnh của mình trong công tác phụ vận, nữ CNVCLĐ được chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, được chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Do vậy, các ý kiến tại hội nghị cho rằng không nên đưa vấn đề “Có cần thiết phải quy định về tổ chức hội cơ sở trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và DN không?” ra thảo luận tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII và không nên quy định về tổ chức hội cơ sở trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và DN trong Điều lệ T.Ư Hội Phụ nữ lần thứ XII. 

(Báo Lao động)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter