Nữ cán bộ công đoàn "hai vai"


Ngày xuất bản: 02/08/2017 2:09:00 CH
Lượt đọc: 7448

 YBĐT - 10 năm là cán bộ công đoàn chuyên trách, với chị Nguyễn Thị  Vân, thời gian làm đại biểu HĐND cho chị nhiều cơ hội hơn để hiểu hơn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn và người lao động.

 

Chị Nguyễn Thị Vân (bên phải) trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đại biểu đại diện cho tổ chức công đoàn tham gia Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp có nhiệm vụ và trách nhiệm giám sát thực thi Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết HĐND trong đối tượng công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Thị Vân đã có nhiều nỗ lực để làm tốt vai trò đại diện cho CNVCLĐ trong tỉnh, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và phối hợp giải quyết kịp thời nhiều chế độ chính sách liên quan đến CNVCLĐ.

Là đại biểu đại diện cho tổ chức công đoàn tham gia HĐND tỉnh, chị Vân luôn ý thức rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình: "Tôi luôn tâm niệm làm sao để làm tốt vai trò đại diện cho đoàn viên công đoàn và người lao động (NLĐ) giám sát việc thực thi chế độ chính sách của NLĐ, đem tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của đội ngũ công nhân đến với HĐND tỉnh nhằm đảm bảo các chế độ, chính sách và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, NLĐ trên địa bàn".

Để có thể thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ này, chị đã tham mưu với Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn sâu sát cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và NLĐ, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ, đặc biệt là những vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ…

Bản thân chị cũng luôn sâu sát cơ sở, đặc biệt là qua các cuộc tiếp xúc cử tri để nắm bắt ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn và NLĐ để có những kiến nghị, đề xuất, phối hợp giải quyết nhiều chế độ, chính sách cho NLĐ.

Chị chia sẻ: "Trong thời gian tham gia đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, được sự phân công của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, tôi đã cùng các đồng chí Thường trực, các ban nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan lắng nghe, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri, kiến nghị giải quyết các chế độ chính sách cho đoàn viên và NLĐ, đem lại lợi ích thiết thực cho NLĐ".

Trong quá trình làm việc tại cơ sở năm 2013, chị Nguyễn Thị Vân đã nắm bắt được ý kiến phản ánh của công nhân lao động Đội Công trình giao thông vận tải và vệ sinh môi trường huyện Yên Bình về việc công nhân vệ sinh môi trường trong suốt gần 9 năm từ năm 2004 đến tháng 6/2013 không được tăng lương mà vẫn xếp lương bậc 1 (hệ số 1,67).

Chị đã tập hợp ý kiến cử tri và trực tiếp trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Yên Bình. Ngày 5/8/2013, UBND huyện đã có Công văn số 1156/UBND-NV về việc nâng bậc lương cho viên chức và công nhân năm 2013, nhất trí nâng bậc lương cho 22 lao động từ bậc 1 lên bậc 2 (hệ số 1,96), đồng thời được cấp bổ sung số tiền tăng lên do nâng bậc lương là gần 60 triệu đồng.

Năm 2014, qua đi tiếp xúc cử tri, chị Vân tiếp tục nắm bắt được vấn đề sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, đến tháng 10/2013 các nhà giáo mới được truy lĩnh số tiền được hưởng nhưng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tính lãi khi truy thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phụ cấp thâm niên của các thầy cô giáo.

Chị Nguyễn Thị Vân đã tham mưu giúp Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh. Trong buổi thảo luận tại kỳ họp, chị Vân cũng đã có ý kiến tại tổ và nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu. Qua đó đã góp phần thoái thu nợ do BHXH tỉnh Yên Bái tính lãi của 9.246 thầy cô giáo tại 553 trường học trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 3,6 tỷ đồng.

Năm 2015, nhiều thầy cô giáo đã kiến nghị về việc các thầy cô giáo tại các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn được bổ sung vào diện Chương trình 135 tại Quyết định 2405/QĐ-TTG ngày 10/12/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về chế độ từ năm 2013 nhưng đến tháng 6/2015 chưa được thực hiện.

Theo số liệu tổng hợp của ngành giáo dục tổng số tiền trên 70 tỷ đồng, ảnh hưởng đến gần 4.000 thầy cô giáo (chưa kể các cán bộ công chức, viên chức xã, các cán bộ lực lượng vũ trang). Nắm bắt vấn đề này, chị Vân đã tham mưu để LĐLĐ tỉnh chủ động trao đổi với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị rà soát và báo cáo tại kỳ họp HĐND vào tháng 7/2015.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Yên Bái lần thứ 14, theo báo cáo của Sở Nội vụ, đến hết tháng 6/2015 đã rà soát và thẩm định song đối tượng được hưởng các chế độ chính sách và trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính cấp kinh phí, đã tạm ứng cho cơ sở 20 tỷ đồng. Đến đầu tháng 12/2015, các thầy cô giáo trong vùng được hưởng chế độ đã được lĩnh trên 50 tỷ đồng.

10 năm là cán bộ công đoàn chuyên trách, với chị, thời gian làm đại biểu HĐND cho chị nhiều cơ hội hơn để hiểu hơn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn và NLĐ. Những nỗ lực của bản thân chị trong thời gian qua cũng xuất phát từ động lực muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để góp phần nâng cao vai trò đại diện của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ.

H.Q

(Báo Yên Bái)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter