Lục Yên khó khăn phát triển công đoàn trong doanh nghiệp


Ngày xuất bản: 28/07/2016 12:49:02 SA
Lượt đọc: 4151

 Phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn, tuy nhiên, hiện nay, công tác này trên cả nước nói chung và huyện Lục Yên ( Yên Bái) nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh.

Có dịp theo chân đoàn công tác của LĐLĐ huyện Lục Yên đến từng doanh nghiệp vận động người lao động gia nhập công đoàn, chúng tôi mới hiểu phần nào khó khăn, vất vả của những người làm công tác này. Có những doanh nghiệp dựa vào quy định “thành lập trên cơ sở tự nguyện” để trì hoãn, thờ ơ, thậm chí, gây khó dễ trong thành lập công đoàn. Không chỉ khó khăn từ phía doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng chưa hiểu rõ những quyền lợi mà mình được hưởng khi tham gia công đoàn. Cá biệt, có trường hợp, người lao động nhận thức được vấn đề nhưng lại phải chịu sức ép từ phía chủ lao động, không được tạo điều kiện để tham gia hoạt động công đoàn, anh Đỗ Viết Thắm- công nhân công ty TNHH khai thác đá Hoàng Tuân chia sẻ: “ là người lao động trực tiếp chúng tôi muốn được tham gia vào tổ chức công đoàn để được bảo vệ quyền và lợi ích, được quan tâm từ các cấp hơn nữa”. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên  chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng ít lao động, một số hoạt động mang tính thời vụ; năng lực của chủ doanh nghiệp trong xây dựng chiến lược và quản trị kinh doanh còn hạn chế; một số chưa chấp hành đúng quy định về pháp luật lao động, nên quyền lợi của người lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy không ít khó khăn nhưng thời gian qua, bằng sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành, sự quyết tâm của hệ thống công đoàn các cấp, sự kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ công đoàn, nhiều công đoàn cơ sở mới cũng đã được thành lập, làm chỗ dựa cho người lao động. Điển hình như Công ty cổ phần khai khoáng Thanh Sơn, hoạt động trên lĩnh vực khai thác, sản xuất đá hoa trắng, kể từ khi thành lập, sau 2 năm nỗ lực phấn đấu, năm 2014 công ty đã thành lập được tổ chức công đoàn với nhiệm vụ quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động làm việc tại công ty, anh Tăng Văn Quý- công nhân công ty cho biết: “Có tổ chức công đoàn làm chỗ dựa, chúng tôi hy vọng quyền lợi vật chất và tinh thần sẽ được đảm bảo, tạo động lực để chúng tôi cống hiến nhiều hơn nữa cho DN”. Với gần 170 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương, hàng năm bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, công ty còn chú trọng các hoạt động công đoàn tới người lao động như chế độ lương, thưởng hợp lý, tổ chức tham gia các hoạt động thể thao do huyện tổ chức, thăm hỏi, động viên công nhân nghèo, khó khăn, đến nay bình quân thu nhập của người lao động tại công ty đạt 5 triệu đồng/người/tháng, ông Nguyễn Văn Khang- Phó giám đốc- Chủ tịch công đoàn công ty cổ phần khai khoáng Thanh Sơn khẳng định: “ Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp nên năm 2014, ban giám đốc đã thành lập tổ chức công đoàn với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động cũng như vì sự phát triển bền vững của công ty để người lao động yên tâm lao động, sản xuất”.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động huyện Lục Yên, thời điểm này toàn huyện mới thành lập được 6 công đoàn khối doanh nghiệp với 643 đoàn viên bao gồm: Công ty Cổ phần quản lý chợ- vệ sinh môi trường; công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam; chi nhánh công ty CPĐT Vạn Khoa tại Yên Bái; Công ty TNHH khai khoáng Thanh Sơn; Công ty CPĐT thương mại Thành Phát và Công ty TNHH đầu tư và thương mại Phú Thái. Đây là con số khiêm tốn vì hầu hết doanh nghiệp ngoài nhà nước của huyện có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn do hàng hóa sản xuất chưa tiêu thụ được, thiếu vốn, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế, điều này kéo theo việc làm của người lao động không ổn định. Hiện toàn huyện có 37 doanh nghiệp đủ điều kiện để thành lập công đoàn nhưng vẫn không mặn mà tham gia. Thực tế, không ít doanh nghiệp dù có nhiều lao động nhưng chỉ ký hợp đồng với một số vị trí công việc quan trọng, còn lao động phổ thông thì ký hợp đồng ngắn hạn, theo thời vụ hoặc thậm chí không ký hợp đồng lao động. Chính điều này khiến người lao động không được tổ chức công đoàn chăm lo đời sống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, hiện có khoảng 600 công nhân, người lao động trên địa bàn huyện chưa được tham gia tổ chức công đoàn, con số này có thể tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khi đã thành lập tổ chức công đoàn, doanh nghiệp phải trích nộp kinh phí công đoàn 1% trên tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của chủ doanh nghiệp khi thành lập tổ chức công đoàn, ông Cù Ngọc Quí- Chủ tịch LĐLĐ huyện Lục Yên nói: “Thời gian tới, Liên đoàn Lao động huyện sẽ tăng cường khảo sát hoạt động của doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ doanh nghiệp, những ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, thu nhập của người lao động để có biện pháp tuyên truyền phù hợp. Đơn vị sẽ chủ động phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản về Luật Lao động cho các chủ doanh nghiệp, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, vận động, thuyết phục họ gia nhập tổ chức công đoàn. Liên đoàn Lao động huyện sẽ tổ chức các hoạt động thể thao, giải trí nhằm thu hút người lao động tham gia xây dựng công đoàn vững mạnh”.

Để phát huy tốt việc phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, thời gian tới rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành cùng chung tay tham gia tuyên truyền vận động để người lao động ở các doanh nghiệp có chỗ dựa vững chắc, đồng thời qua đó sẽ khẳng định được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động./,

Khắc Điệp ( Đài TT-TH Lục Yên)

 

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter