Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn: Đi vào thực tiễn, không hàn lâm


Ngày xuất bản: 09/05/2016 12:55:45 SA
Lượt đọc: 3948

Trường Đại học Công đoàn (ĐHCĐ) có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (CB) cho tổ chức CĐ và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đối với đào tạo, bồi dưỡng CB cho tổ chức CĐ, nhà trường luôn thực hiện nghiêm túc. Để đáp ứng tình hình mới với những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động CĐ, mà bắt đầu từ chính đội ngũ CBCĐ, Trường ĐHCĐ đã xây dựng, thực hiện những phương pháp, nội dung hiệu quả.

Giảng viên đi thực tế tại hầm lò, khu công nghiệp

Một trong những nội dung chiến lược xây dựng và phát triển Trường ĐHCĐ từ năm 2010 - 2020 là góp phần đào tạo nguồn CB xuất thân từ công nhân, hoặc được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào công nhân, hoạt động CĐ ở cơ sở, góp phần xây dựng GCCN và tổ chức CĐ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Để thực hiện tốt nội dung này, nhà trường đã khuyến khích giảng viên đi thực tế xuống các nhà máy, hầm mỏ, công trường, các khu công nghiệp tiếp xúc công nhân, gặp gỡ các nhà quản lý, nắm tâm lý NLĐ và nhu cầu nâng cao trình độ đối với CBCĐ. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nhiều đề tài khoa học về phong trào công nhân và hoạt động CĐ. Mời các cộng tác viên báo cáo các chuyên đề chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên, sinh viên, nhất là cho các lớp học phần CĐ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề đào tạo cho CBCĐ hiện nay, thầy Phan Sơn - Trưởng khoa Giáo dục thường xuyên, chuyên giảng dạy về công tác tổ chức CB - cho biết đặc thù của CBCĐ là đa dạng về chuyên môn, đa cấp về trình độ và với nhiều độ tuổi khác nhau, bề dày về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm quản lý không đồng đều; điều kiện hoạt động CĐ của từng cơ quan, tổ chức, DN không giống nhau, hơn nữa CBCĐ là CB quần chúng, hoạt động thực tiễn là chính. Vì vậy Trường ĐHCĐ đã chỉ đạo xây dựng nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng cấp đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ theo các nhóm nội dung, thuộc về lý luận và nghiệp vụ công tác CĐ, về ATVSLĐ, về luật liên quan đến NLĐ. Trường cũng đã và đang tập trung xây dựng nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp điều kiện công tác của từng đối tượng. Ví dụ, với bồi dưỡng có chương trình một buổi, ba buổi… và hình thức chủ yếu ngoài giờ hành chính; với đào tạo có một tháng 10 ngày, hoặc học thứ 7, chủ nhật hằng tuần cho chương trình học phần CĐ, chương trình ĐH…Thầy Phan Sơn nhấn mạnh tới việc tích cực triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy, tránh bài giảng nhàm chán, nặng về lý thuyết, hàn lâm không phù hợp đối với CBCĐ hoạt động trong phong trào công nhân, CĐ; lấy kinh nghiệm của học viên trao đổi lẫn nhau; tổ chức cho học viên đi tham quan thực tế những mô hình hoạt động CĐ tốt.

Cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đào tạo CBCĐ

Điều mà nhiều giảng viên Trường ĐHCĐ trăn trở hiện nay là việc điều chỉnh những nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới, nhất là khi VN tham gia TPP, mà ở đó CĐ vừa có thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều thách thức. Bởi, để thực sự có được niềm tin của NLĐ, mỗi CBCĐ phải có năng lực nhận thức và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đây chính là “đề bài” cho công tác đào tạo. Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa CĐ - đề nghị điều chỉnh tăng thời lượng cho những nội dung về chính sách, pháp luật, đặc biệt là những nội dung về pháp luật lao động (LĐ), quan hệ LĐ, kỹ năng hoạt động CĐ như: Đàm phán thương lượng và ký TƯLĐTT, giải quyết tranh chấp LĐ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; tổ chức đình công theo quy định của pháp luật… Đây cũng là những nội dung cần đưa vào học phần bắt buộc để trang bị cho CBCĐ.

Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn, Tổng LĐLĐVN cần có chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên vừa tăng cường về số lượng, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo CBCĐ trong tình hình mới; mà một trong số đó là quy định chính sách đãi ngộ, thu hút giảng viên có trình độ cao; quy định cho hai trường đại học trong hệ thống (ĐHCĐ và ĐH Tôn Đức Thắng) vừa có trách nhiệm nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, vừa có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên kiêm chức tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm Trường Đại học Công đoàn

Chiều 6.5, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN tới thăm và chúc mừng tập thể giáo viên, sinh viên Trường ĐHCĐ nhân kỷ niệm 70 năm thành lập trường. Tại đây, Chủ tịch Bùi Văn Cường chúc mừng các thầy cô giáo và sinh viên nhà trường, đồng thời đánh giá cao truyền thống giáo dục của nhà trường – nơi đào tạo những CBCĐ cho Tổng LĐLĐVN và là nơi đào tạo ra những sinh viên ưu tú, khi ra trường trở thành những người có ích cho xã hội. Chủ tịch Bùi Văn Cường mong muốn rằng thời gian tới, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy để những sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra trường có nhiều kiến thức có thể áp dụng ngay trong quá trình thực hiện công việc, đặc biệt là đội ngũ sinh viên sau khi ra trường làm công tác CĐ; nhà trường cũng cần phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên, sinh viên trong tình hình mới. 

 (Báo Lao động)

 

 

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter