Cẩn thận để không mất quyền lợi BHXH


Ngày xuất bản: 05/09/2016 12:04:26 SA
Lượt đọc: 5509

 Người lao động cần đề nghị DN sớm điều chỉnh hồ sơ BHXH khi còn đang làm việc để không bị mất quyền lợi (Ảnh minh họa).

Công nhân (CN) đình công vì doanh nghiệp (DN) không đóng BHXH bởi họ ý thức rằng, không có BHXH thì không có… lương hưu. Thế nhưng, không ít người lao động (NLĐ) lại bỏ qua những quy định, lưu ý của ngành BHXH khiến quyền lợi của họ có nguy cơ bị mất trắng.

Không chốt được sổ BHXH vì cho bạn cùng phòng mượn tên

Là tình cảnh mà chị Nguyễn Thị Thắm (quê Hà Tĩnh, ngụ Bình Dương) gặp phải khi năm 2009, chị cho người bạn cùng phòng mượn hồ sơ để đi làm tại một Cty may mặc ở Thuận An. “Khi đó, tôi mới ở quê vào nên chuẩn bị sẵn mấy bộ hồ sơ. Người bạn mượn hồ sơ của tôi quê ở Vĩnh Long. Chị ấy lên Bình Dương đã lâu, đang làm thì nghỉ việc chuyển sang Cty khác nhưng ngại về quê làm lại hồ sơ. Tôi đã xin được việc, hồ sơ dư 3 bộ nên khi chị ấy hỏi mượn, tôi nghĩ đơn giản là để chị ấy có được việc, không biết là sẽ rắc rối về sau”, chị Thắm nói. Làm ở Cty được gần 1 năm thì người bạn cùng phòng của chị Thắm lấy chồng, về quê. Hai người mất liên lạc từ đó. Đến đầu năm 2016, chị Thắm cũng nghỉ việc để về quê nhưng không giải quyết được và vụ việc kéo dài đến nay.

Chị Thắm trình bày, Cty không thể chốt sổ BHXH cho chị vì có một sổ BHXH ở Cty khác trùng tên chị. Cty yêu cầu chị lên BHXH tỉnh đề nghị cơ quan này hủy đi một sổ bảo hiểm. Tuy nhiên, khi chị Thắm lên BHXH tỉnh thì được yêu cầu phải tìm người đã mượn hồ sơ của chị và đưa người đó lên cơ quan BHXH viết giấy cam kết thì cơ quan BHXH mới hủy sổ.

“Chúng tôi đã không còn liên hệ với nhau từ năm 2010, đến nay đã hơn 6 năm. Chị ấy lấy chồng, về quê, tôi chỉ biết chị ấy ở Vĩnh Long, ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào khác”, chị Thắm phân trần.

Em trai đi làm bằng tên của anh

“Năm 2005, em trai tôi chưa đủ tuổi nên mượn hồ sơ của tôi đi làm. Giờ em tôi không đi làm nữa mà về quê nên nhờ tôi đi chốt sổ BHXH, hưởng BHXH một lần. Tôi vẫn còn đang đi làm và Cty tôi đóng BHXH cho tôi đầy đủ. Giờ không biết làm sao?”. Đó là chia sẻ của anh T.V.H (TP.HCM) về trường hợp hai anh em anh đang gặp phải.

Theo luật sư Trần Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi mượn hồ sơ của người khác để sử dụng nhằm được tuyển dụng vào làm việc là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Luật Bảo hiểm xã hội thì đây chính là gian lận, làm giả hồ sơ là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Nếu cơ quan BHXH phát hiện các trường hợp như vậy thì sẽ xử phạt hành chính người mượn hồ sơ. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt, người em trai sẽ được cơ quan BHXH hướng dẫn điều chỉnh đúng nhân thân của mình trước khi được giải quyết các chế độ về BHXH.

Theo một cán bộ của cơ quan BHXH TP.HCM, thủ tục điều chỉnh cũng không hề đơn giản bao gồm: Đơn giải trình lý do mượn hồ sơ của người mượn tên có xác nhận của chính quyền địa phương; bản sao giấy CMND và hộ khẩu của người mượn tên; đơn giải trình lý do mượn hồ sơ của người cho mượn tên có xác nhận của chính quyền địa phương, trong đó cam kết không tranh chấp quyền lợi BHXH của người mượn tên; công văn của đơn vị xin điều chỉnh lại hồ sơ BHXH sau khi đã điều chỉnh hồ sơ gốc của người lao động lưu tại đơn vị đóng BHXH, tờ khai, biên bản đổi sổ, bản sao sổ BHXH...

Tuy nhiên, để tránh việc chỉ khi có sự cố mới lo tìm cách hợp thức hóa hồ sơ, vị cán bộ này đề xuất: Nếu có xác nhận của DN, chứng thực NLĐ làm việc tại DN với hồ sơ mượn tên thì BHXH sẽ làm thủ tục điều chỉnh cho NLĐ, cấp lại sổ BHXH cộng dồn thời gian đã đóng trước đó. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên làm việc với DN để DN không đuổi việc những lao động đang sử dụng hồ sơ giả mà muốn điều chỉnh hồ sơ.

(Báo Lao động)

Thư viện Video

Liên kết khác

Các ca khúc về Công đoàn

Lượt truy cập

Free Website Hit Counter